top of page

Các chi phí vận hành nhà máy điện hạt nhân và giá sản xuất điện

Thực tế giá đơn vị điện (một số điện - kWh) của "điện hạt nhân" tăng qua các năm cùng theo sự phát triển của nó. Điện hạt nhân mất dần tính cạnh tranh trên thị trường điện cũng do sự phát triển khoa học kỹ thuật một phần làm giảm đi chi phí của các dạng năng lượng thay thế (gió, mặt trời...). Thậm chí những khảo sát mới nhất cho rằng chi phí này còn cao hơn cả giá đơn vị điện nhiệt điện.


Chi phí cho dự án điện hạt nhân bao gồm:


Vốn đầu tư


Vốn cho một nhà máy điện hạt nhân khá đắt đỏ, cũng dễ hiểu do độ phức tạp của dự án, đòi hỏi công nghệ cao, sự chắc chắn và tin cậy. Đặc biệt toàn bộ các thiết bị bên trong đều phải nhập của nước ngoài. Bên cạnh đó còn có các công trình phụ trợ, trung tâm thông tin, mô hình giả lập, tham quan...


Có thể hình dung rằng với vốn đầu tư này chúng ta có thể xây một nhà máy nhiệt điện có cùng công suất với công nghệ thu giữ - xử lý khí CO2, vài tuabin thủy điện, một số nhà máy hóa sinh và vài tuabin gió.


Theo tính toán của Bộ Năng Lượng Hoa Kỳ, vốn đầu tư cho 1 kW công suất:

  • Điện hạt nhân: 5530 $

  • Điện gió: 2200 $

  • Điện mặt trời: 4000 $

Bù lại không chiếm dụng nhiều đất sản xuất, giảm thiểu công tác giải phóng mặt bằng. Riêng dự án AES-2006 với mẫu lò phản ứng VVER-1200 (3+) có chi phí cho hệ thống bảo vệ-an toàn lên đến 40% giá trị nhà máy, những bộ phận này rất ít sử dụng trong quá trình vận hành. Việt Nam phải chi ra 10 tỷ USD cho nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 với 2 tổ máy 2x1200MW, trong đó giá trị hợp đồng với tập đoàn năng lượng nguyên tử Nga ROSATOM là 9 tỷ USD.


Chi phí vận hành


Cần có nguồn nhân lực trình độ cao, có trách nhiệm, có văn hóa lao động. Hằng năm đều phải tiến hành các bài kiểm tra đánh giá chất lượng. Lúc không có ca làm việc phải tự trau dồi kiến thức trong và ngoài ngành, thực tập xử lý các tình huống giả định và công tác giáo dục tuyên truyền. Cũng vì lí do này nên chính sách đãi ngộ đối với cán bộ làm trong ngành này cao hơn so với nhiệt điện. Ngoài ra còn có các khoản phí bảo hiểm lao động, hỗ trợ và phúc lợi xã hội...do ảnh hưởng của hoạt động nhà máy đến đời sống người dân.


Riêng Việt Nam cần tốn một khoảng chi phí khá lớn cho việc đào tạo các cán bộ đầu ngành.


Dù sản xuất điện nhưng nhà máy điện hạt nhân vẫn là một thiết bị tiêu thụ điện, thậm chí là tiêu thụ rất nhiều trong quá trình vận hành. Các máy bơm tuần hoàn công suất lớn, cá thiết bị điều khiển, cảm biến đo đạc...thậm chí máy phát điện dùng nam châm điện để tăng công suất và hiệu suất. Cung cấp điện cho nhà máy điện hạt nhân là việc vô cùng quan trọng.


##Ngoài lề: do động đất làm mất nguồn cung cấp điện chính, sóng thần làm mất nguồn điện dự phòng cho các máy bơm tuần hoàn ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima đã dẫn đến thảm họa hạt nhân.


Chi phí nhiên liệu


Ngược lại với các chi phí trên, chi phí nhiên liệu cho điện hạt nhân khá rẻ và ít biến động qua các năm. Theo số liệu tính toán của Trường Đại Học Năng Lượng Hoa Kỳ năm 2013 chi phí cho nhiên liệu hạt nhân khoảng 0,79 cent US cho mỗi kWh.


Nếu tính thêm chi phí cất giữ, làm lạnh, xử lý sơ bộ nhiên liệu đã qua sử dụng thì chi phí này là 1,1-1,2 cent US cho mỗi kWh. So với chi phí của các nhà máy sử dụng than 4,2 cent/kWh, khí đốt tự nhiên 6,7 cent/kWh, hay dầu mỏ 30 cent/kWh...thì chi phí này vẫn rẻ hơn nhiều. Kèm theo đó còn tiết kiệm được chi phí vận chuyển nhiên liệu cũng như rác thải.


## một viên nhiên liệu hạt nhân có trọng lượng 4,5g có độ làm giàu 4% ²³⁵U dành cho lò neutron nhiệt, có khả năng giải phóng năng lượng tương đương với 882 kg củi (gỗ đốt), 550 kg than, 500 m³ khí đốt hoặc 500 kg dầu. Nếu dược sử dụng trong lò neutron nhanh, năng lượng phát ra còn gấp nhiều lần.




Ngoài ra còn có chi phí cho sự tiêu hao của các thanh điều khiển, axit Bo trong quá trình vận hành, các hóa chất lọc nước ở các vòng tuần hoàn...Nếu so với các chi phí khác thì chi phí này không đáng kể.


Bảo dưỡng định kì


Dự án VVER-1200 (3+) được tính toán sử dụng trong 60 năm không xuất hiện hư hỏng nặng, với sác xuất sự cố lớn 1/10triệu trong một năm vận hành. Hằng năm ngoài thay/đảo nhiên liệu còn có các công tác làm sạch, kiểm tra, thay mới một số bộ phận tiêu hao. Không thể loại bỏ hoàn toàn các hư hỏng nhỏ có thể xảy ra trong quá trình vận hành do quy mô quá lớn của nhà máy.


Bảo hiểm quốc tế


Chi phí này tăng lên rõ rệt qua các sự cố hạt nhân. Sự cố hạt nhân không ai muốn, và hậu quả của nó là không thể lường trước được, ảnh hưởng lên vùng không gian vô cùng rộng lớn về lâu dài. Thế giới đã phải trải qua 3 thảm họa hạt nhân trong lịch sử: Đảo 3 dặm - Mỹ (1979), Chernobyl - Ucraina/Liên Xô (1986), Fukushima - Nhật (2011) ; và ảnh hưởng của nó vẫn còn cho đến ngày nay.


Một khi thảm họa hạt nhân xảy ra, ai sẽ thực hiện các công tác vệ sinh, đền bù, cũng như khắc phục sự cố? Liệu nước xảy ra sự cố có thực hiện đầy đủ công tác xử lý hóa học, chất phóng xạ? Và liệu nơi xảy ra sự cố có được sự giúp đỡ của quốc tế?


Số tiền khá lớn phải bỏ ra, nhưng lại hy vọng không bao giờ sử dụng số tiền này.


Chi phí sau khai thác


Đặc trưng cơ bản của nhà máy điện hạt nhân là tỏa ra một lượng nhiệt dư thừa dù đã dập lò phản ứng, khoảng 5-7% so với công suất định mức và giảm dần theo thời gian. Nhiệt lượng này tuy nhiều nhưng không có khả năng sinh công để tạo năng lượng điện, các thanh nhiên liệu được đưa ra khỏi lò phản ứng và ngâm và làm lạnh trong bể chứa 2-3 năm.


Công tác làm lạnh, vệ sinh, chuyển đổi mục đích sử dụng thành bảo tàng, viện nghiên cứu...tốn khá nhiều thời gian và tiền bạc. Chi phí này lên đến 10%-15% vốn đầu tư ban đầu, chi phí phá hủy nhà máy điện hạt nhân để giải phóng mặt bằng cũng không hề rẻ.


Ngoài ra còn có một số chi phí phát sinh do công tác tuyên truyền, đào tạo đội ngũ, chuyển giao công nghệ, xây dựng hình ảnh...và một số chi phí khác.

 

Giá thành điện hạt nhân tính trên đơn vị điện (chi phí trên kWh/ MWh)


Bằng tổng các chi phí đã kể trên chia cho tổng đơn vị điện nhà máy có thể sản xuất trong vòng đời của nó. Chi phí đắt đỏ, nhưng bù lại công suất của các nhà máy điện hạt nhân rất lớn, không có khí thải, không đốt cháy khí Oxy, chi phí vận chuyển nguyên liệu giảm và lượng rác thải ít...


Trước đây giá đơn vị điện điện hạt nhân chỉ đứng sau thủy điện, nhưng do yêu cầu an toàn, văn hóa khai thác, cũng như chi phí bảo hiểm làm cho giá thành này tăng cao và làm giảm đi tính cạnh tranh của ngành điện hạt nhân.


Theo số liệu thống kê thực tế của các quốc gia phát triển:

## tham khảo thêm tại đây "Cost of electricity by source"

Mình không học tiếng anh chuyên ngành điện nên có thể dịch nhầm một vài chỗ!


Theo Quyết định số 2256/QĐ/BCT ngày 12 tháng 3 năm 2015 của Bộ Công Thương giá bán lẻ điện theo quy định của Việt Nam hiện hành là 1 622,01đồng/kWh = 7,3 - 7,5 cent US/kWh. Ngoài ra còn có các mức thuế, phạt, phụ thu, thay đổi theo mùa, ngày giờ... Giá điện trung bình của các nước trong khu vực Đông Nam Á 10 cent US/kWh.



Cũng dễ hiểu giá điện ở các nước phương tây lớn hơn nhiều so với các nước trong khu vực Đông Nam Á do giá thuê nhân công, thuế, chế độ lương bổng, các hệ thống lưu giữ, lọc khí thải cũng như xử lý rác thải. Giá của từng loại công nghệ khai thác năng lượng còn phụ thuộc vào địa lý, nguồn khoáng sản, chế độ gió/mặt trời, khí hậu, cũng như khoa học kỹ thuật của từng quốc gia.


Giá đơn vị điện điện hạt nhân ít biến động, do cân bằng giữa khai thác và tiêu thụ nhiên liệu. Qua các bảng số liệu cho thấy chi phí cho điện hạt nhân cao hơn thủy điện, địa nhiệt (mô hình khai thác sức nóng trong lòng đất)...; bằng hoặc cao hơn chi phí khai thác nhiệt điện than, nhiêt điện khí; thấp hơn chi phí nhiệt điện dầu và khai thác năng lượng tái tạo (gió, mặt trời, thủy triều...)

 

Than, dầu mỏ, khí đốt có hạn, nếu khai thác tất nhiên giá cả nhiên liệu sẽ leo thang, tăng giá xăng dầu làm tăng chi phí vận chuyển kèm thêm lượng khí thải khổng lồ. Thủy điện rẻ, sạch, công suất cao nhưng lại có nhiều nhược điểm và hầu như khồng thể phát triển thêm. Năng lượng tái tạo tuy sạch nhưng chi phí khai thác quá đắt và công suất chưa cao, không thể đáp ứng nhu cầu năng lượng hiện nay.


Đừng nghĩ rằng năng lượng tái tạo miễn phí và chỉ có ưu điểm, Trung Quốc độc quyền ngành khai thác đất hiếm chế tạo các thiết bị lưu trữ điện (ắc quy công suất lớn) vô cùng độc hại. Các nước phương tây chú trọng phát triển ngành này vì họ có nền kinh tế phát triển, đẩy trách nhiệm khai thác đất hiếm cho Trung Quốc. Ngoài ra ngành công nghiệp khai thác các chế tạo pin mặt trời cũng thải ra nhiều chất thải độc hại và vô cùng đắt đỏ.


Bất cứ công nghệ khai thác điện nào cũng có ưu và nhược điểm, nhìn nhận một cách đúng đắng, lựa chọn công nghệ phù hợp với quốc gia, đáp ứng nhu cầu năng lượng, đảm bảo tiết kiệm - kinh tế, cũng như bảo vệ môi trường ở hiện tại và tương lai là cốt lõi của sự phát triển đất nước bền vững.

 

Bài viết chỉ dựa trên tính kinh tế khách quan của các dự án khai thác điện từ các nguồn khác nhau. Nêu đầy đủ ưu và nhược điểm của dự án điện hạt nhân, cá nhân mình vẫn chưa hiểu rõ về thủy điện, nhiệt điện cũng như những ngành năng lượng khác.


ĐHN nhân qua các biến cố đã mất dần hình ảnh của mình, đa số người dân VN phản đối dự án này. Nhưng đối với chúng tôi - những người đã bỏ ra thời gian và tuổi trẻ theo học ngành này tại LB Nga cũng như những nước khác, đang rất nóng lòng dùng những thứ mình đã học được góp phần phát triển, thay đổi đất nước.


##Tâm thư: Do sự thiếu thốn về thông tin liên lạc, nguồn thông tin, cũng như sự phát triển của mạng xã hội mà các thế hệ 8x, 7x, 6x... đã không thể mang đến hình ảnh điện hạt nhân sạch, an toàn, kinh tế, tin cậy. Đến thế hệ 9x chúng ta, phía nhà nước đã cấp học bổng cùng những đãi ngộ để tiếp cận nguồn tri thức mới. Dù có xây nhà máy hay không, thì đây là những tri thức vô cùng quý giá, hãy cùng diễn đàn NLHN xây dựng hình ảnh đúng đắng của điện hạt nhân cho các thế hệ sau - thế hệ 0x, 1x, 2x... Sẵn đây mình xin chân thành cám ơn những bạn đã gửi bài viết và ủng hộ diễn đàn trong thời gian qua và tương lai sắp tới.


- [Admin] -


Được quan tâm
Cấu trúc lò phản ứng VVER
Bài viết gần đây
bottom of page